top of page
1_edited.jpg
bộ sưu tập (14).png

BẢO TÀNG ÁO DÀI - CHỐN BÌNH YÊN CHO NHỮNG TÂM HỒN YÊU VĂN HÓA VIỆT

Ảnh của tác giả: Hoa Hồng Mật VụHoa Hồng Mật Vụ

Đã cập nhật: 7 thg 11, 2024

Trong suốt quá trình 10 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Áo dài đã thành công trong việc lưu giữ hơn 300 mẫu áo dài từ các thời kỳ khác nhau, từ áo dài truyền thống đến các mẫu thiết kế hiện đại. Bên cạnh việc trưng bày các bộ áo dài quý giá, Bảo tàng Áo dài còn mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa phong phú. Sự hòa quyện giữa di sản văn hóa và kiến trúc độc đáo đã biến nơi đây thành điểm đến thu hút những du khách có niềm đam mê trong việc tìm hiểu về lịch sử và nét đẹp của áo dài cũng như văn hóa Việt Nam.

Bộ sưu tập Áo dài. Ảnh: Hoàng Yến, Bách Thông, Hoàng Long

Bảo tàng Áo dài là nơi lưu giữ và tôn vinh câu chuyện xuyên suốt lịch sử Việt Nam về chiếc áo dài – biểu tượng của văn hóa dân tộc. Không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày những hiện vật và tư liệu quý giá về áo dài, Bảo tàng còn góp phần làm phong phú thêm bức tranh về văn hóa Việt Nam. Thông qua đó, mở ra một cơ hội mới trong việc kết nối Áo dài đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước, góp phần làm nổi bật giá trị văn hóa Việt trong dòng chảy hội nhập toàn cầu.


Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chiếc Áo dài truyền thống của Việt Nam được bắt nguồn từ áo Giao Lĩnh, xuất hiện vào năm 1744, được sử dụng như lễ phục dưới thời nhà Lý. Đây được xem là kiểu dáng đơn sơ nhất của áo dài Việt Nam thời bấy giờ. 

"Nào đâu cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen" - Nguyễn Bính

Đến thế kỷ 17 (khoảng năm 1645), để thuận tiện hơn cho người phụ nữ trong công việc đồng áng, chiếc áo Giao Lĩnh được biến tấu thành áo Tứ Thân. Được may từ khổ vải dệt từ 30 - 40 cm nên thân áo trước có 2 tà tách riêng và 2 thân áo sau được khâu ghép lại nên được gọi là áo tứ thân. Áo không có khuy cài và ở bên trong được mặc một chiếc áo yếm. Áo Tứ Thân thường được xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích như tấm cám, những người nông dân mà ta được xem ngày nay.

Áo dài Ngũ Thân. Ảnh: Hoàng Yến, Bách Thông, Hoàng Long

Áo dài Ngũ Thân là sự tiếp nối của áo Tứ Thân, xuất hiện trong giai đoạn trị vì của vua Gia Long ở thế kỷ 19. Dưới thời đại này, Vua chúa, quần thần, dân chúng đều diện áo dài Ngũ Thân từ cuộc sống hằng ngày đến các dịp lễ đặc biệt. Điểm khác biệt duy nhất so với áo Tứ Thân là trang phục này được may thêm vạt áo thứ năm giống như mảnh áo lót kín đáo. Sự thay đổi này nhằm phân biệt tầng lớp quý tộc và tầng lớp lao động nghèo, chứng tỏ sự khác biệt về địa vị và giai cấp xã hội thời đó.

Áo dài vương triều nhà Nguyễn. Ảnh: Hoàng Yến, Bách Thông, Hoàng Long

Đến triều Nguyễn, dù nhiều loại âu phục đã du nhập vào Việt Nam, Áo dài vẫn giữ vai trò quan trọng và được quy định chặt chẽ bởi Bộ Lễ. Vào thế kỷ 19, Áo dài cung đình được thiết kế cầu kỳ, với hoa văn chim phượng, mặt trời, hoa trái và những họa tiết ngũ sắc tinh xảo. Áo dài thường có lớp lót bằng lụa bên trong và luôn đi kèm một áo dài lót bên dưới để tăng thêm độ uyển chuyển và sang trọng. Quần mặc cùng Áo dài được may rộng, phần đũng thấp, và đặc biệt phần hông được may với ba lần gấp, tạo nên sự thoải mái và vẻ trang nghiêm cho trang phục truyền thống.


Trải qua những biến động và thăng trầm của lịch sử, Áo dài Việt Nam đã không ngừng thay đổi và hoàn thiện, mỗi giai đoạn đều phản ánh sự phát triển của xã hội và sự biến đổi tinh tế trong phong cách thời trang của người Việt. Ngày nay, Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là biểu tượng của bản sắc văn hóa Việt, được người Việt tự hào khoác lên trong các dịp lễ tết, sự kiện quan trọng. Áo dài vừa mang vẻ đẹp thanh lịch, vừa thể hiện tâm hồn dân tộc Việt Nam, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, đưa văn hóa Việt đi xa hơn trên bản đồ thế giới.


Những chiếc Áo dài bình dị, không phô trương về kiểu cách, đã trở nên đặc biệt và thiêng liêng hơn bao giờ hết nhờ vào những con người khoác lên mình tà áo ấy, dấn thân vì sự nghiệp giành lại độc lập, hòa bình và tự do cho dân tộc. Chính họ đã biến những tà Áo dài đơn sơ thành biểu tượng của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Từng nếp áo thấm đẫm ký ức về những năm tháng đấu tranh gian khổ, khi những người con đất Việt đứng lên bảo vệ quê hương, vượt qua bao hiểm nguy, quyết giữ vững bản sắc và tự do của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ảnh: Hoàng Yến, Bách Thông, Hoàng Long

Áo dài - biểu tượng của vẻ đẹp truyền thống và sức sống mãnh liệt của dân tộc, đã và đang vượt qua mọi giới hạn thời gian và không gian, để trở thành một di sản văn hóa vô giá của nhân loại. Qua từng đường kim mũi chỉ, từng họa tiết hoa văn, chúng ta như được sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận được sự tinh tế và sâu sắc trong văn hóa Việt Nam.


Kiến trúc Bảo tàng Áo dài.

Với kiến trúc mang đậm hơi thở nước Việt, Bảo tàng Áo dài là sự giao thoa giữa phong cách nhà rường xưa Quảng Nam và dấu ấn đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Sở hữu không gian rộng 20.000m2, Bảo tàng Áo dài được cấu thành từ nhiều gian nhà riêng biệt, từng gian nhà được xây dựng dựa trên các mục đích khác nhau. Một số gian nhà nổi bật có thể kể đến như: Nhà trưng bày lịch sử áo dài, Khu trưng bày di sản văn hóa; Nhà cổ Kim Bồng; Nhà trưng bày gốm bàu Trúc; Khu miệt vườn; Hồ cá Koi; Hồ Chân lạc; Vọng Nguyệt lầu,... Thế nên, ngay từ những bước chân đầu tiên, khách tham quan đã được đắm mình trong một không gian độc đáo, nơi những nét truyền thống và chất liệu hiện đại hòa vào nhau một cách đầy tinh tế.

Khuôn viên Bảo tàng. Ảnh: Hoàng Yến, Bách Thông, Hoàng Long

Khuôn viên của Bảo tàng được bao bọc bởi nhiều cây xanh rợp bóng. Bên cạnh đó, xung quanh các gian nhà là ao hồ, vườn tược, cây si, bến thuyền - những dấu ấn văn hoá mang đậm nét khung cảnh miệt vườn miền Tây đầy sống động. Tất cả tạo nên một không gian nên thơ, góp phần phản ánh lối sống và tâm hồn nhẹ nhàng, khoáng đạt của con người Việt Nam.


Hầu hết các công trình kiến trúc chính tại đây đều được làm bằng nhiều loại gỗ quý, được sưu tầm từ vùng đất Quảng Nam và được chính tay các nghệ nhân tại làng mộc Kim Bồng thực hiện. Hệ thống mái ngói âm dương với tone màu đỏ trầm không chỉ tạo nên vẻ đẹp cổ kính mà còn mang một nét ý nghĩa về mặt phong thủy vô cùng sâu sắc. Nó tượng trưng cho sự hòa hợp, hạnh phúc và bình an vì âm dương vốn là hai yếu tố cần thiết trong phong thủy. Mỗi đường nét chạm khắc trên các cột kèo, cửa gỗ nơi đây như thể hiện một sự tôn vinh tài năng điêu khắc tinh xảo của người thợ thủ công Việt Nam. Điều này đã góp phần mang đến cho du khách một trải nghiệm tham quan đầy gần gũi, thân thuộc như đang lạc vào một không gian cổ kính, thanh bình.

Nhà trưng bày lịch sử Áo dài. Ảnh: Hoàng Yến, Bách Thông, Hoàng Long

Một trong những kiến trúc đặc sắc không thể không dừng chân khi ghé thăm Bảo tàng chính là Nhà trưng bày lịch sử áo dài. Đây được xem là gian nhà rộng nhất và đẹp nhất tại nơi đây. Bước vào không gian trưng bày, du khách như lạc vào một thế giới mang đậm nét truyền thống xưa cổ. Nhà trưng bày áo dài được chia làm 2 khu vực, một bên dành riêng cho những bộ áo dài đã đi cùng dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Bên còn lại là khu vực dành cho những tà áo của những nhân vật có công lao trong sự nghiệp gìn giữ nước nhà. Gian nhà trưng bày sử dụng ánh đèn vàng dịu nhẹ nhằm tôn vinh lên vẻ đẹp tinh tế của từng đường kim mũi chỉ trên những tà áo dài. Một điều tinh tế ở đây chính là ánh sáng của nhà trưng bày được điều chỉnh ở mức yếu nhằm mục đích bảo quản chất liệu vải một cách nguyên vẹn. Bên cạnh đó, các bảng thông tin cung cấp những chi tiết về lịch sử, ý nghĩa của từng bộ trang phục truyền thống được bố trí xen kẽ trong không gian trưng bày. Điều này tạo điều kiện cho du khách khám phá các bộ áo dài một cách chủ động và hiệu quả hơn. 

Với lối kiến trúc độc đáo và không gian trưng bày tràn đầy hoài cổ, Bảo tàng Áo dài không chỉ là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa Việt mà còn tạo cho du khách một trải nghiệm tham quan đầy thú vị. Mỗi góc nhỏ tại Bảo tàng mang một ý nghĩa, mỗi tà áo dài là một tác phẩm nghệ thuật, cùng nhau tôn vinh vẻ đẹp truyền thống và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Ảnh: Google

Với ước mơ về một không gian có thể tôn vinh lên những nét đẹp của tà áo dài Việt, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã dành ra 12 năm tâm huyết và kiên trì để sưu tầm, nghiên cứu trong công cuộc lưu giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa Việt. Ngày 22/01/2014, Bảo tàng Áo dài chính thức ra mắt công chúng, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của tà áo dài truyền thống.

Khuôn viên nhà vườn. Ảnh: Hoàng Yến, Bách Thông, Hoàng Long

Bảo tàng Áo dài là bảo tàng tư nhân thứ hai thuộc nhóm Bảo tàng với Chuyên đề của Sở Văn Hóa - Thể Thao Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về áo dài. Với những bộ sưu tập đa dạng và độc đáo, từ áo dài truyền thống đến những tà áo được thiết kế cách tân, cùng các hiện vật cổ xưa được bảo tồn cẩn thận, Bảo tàng Áo dài mang đến cho khách tham quan một trải nghiệm văn hóa đầy thú vị. 

Năm 2018, Bảo tàng Áo dài nhận được bằng khen trong công tác tham quan tổ chức cùng với “Lễ hội áo dài thành phố Hồ Chí Minh” với thành tích xuất sắc, được trao tặng bởi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Bảo tàng Áo dài cũng trở thành địa điểm tổ chức các buổi tọa đàm hội thảo khoa học về các nội dung chính như “Lịch sử áo dài Việt Nam” (tháng 3/2018); “Kỹ thuật cắt may và trang trí áo dài” (tháng 7/2018); “Chất liệu truyền thống may áo dài” (tháng 3/2019); “Áo dài di sản văn hóa” (tháng 11/2020). Bên cạnh đó, Bảo tàng còn vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa trao tặng bằng khen “Đã đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động du lịch tại địa phương” vào năm 2021.

Bằng khen do Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Ủy ban nhân dân trao tặng. Ảnh: Bảo tàng Áo dài

Nối tiếp thành công trong quá trình hoạt động, Bảo tàng Áo dài được ghi nhận là 1 trong 10 điểm tham quan thú vị của Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào năm 2013.

Ngôi nhà chung của những tà áo thướt tha không chỉ là địa điểm giúp khách tham quan chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống của đất nước qua từng thời kỳ lịch sử, mà còn là không gian mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo khác như: Dịch vụ thuê áo dài nhằm phục vụ việc chụp hình; Tự tay trải nghiệm việc làm nên một chiếc Áo dài hay phục vụ ẩm thực truyền thống,...


Bảo tàng Áo dài dành một không gian trong khuôn viên nhằm mục đích cho thuê các trang phục truyền thống như áo dài, áo bà ba, áo tứ thân,... Bên cạnh đó, ngoài việc khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc, Bảo tàng Áo dài còn cung cấp dịch vụ giúp khách tham quan có cơ hội trải nghiệm tự tay may áo dài. Với dịch vụ này, du khách có thể hoá thân thành một người thợ để đo đạc và khâu từng đường kim mũi chỉ lên trên chiếc áo dài truyền thống để tự thiết kế cho riêng mình những tà áo mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng cũng không phai đi nét đẹp truyền thống dân tộc

Các hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng. Ảnh: Hoàng Yến, Bách Thông, Hoàng Long

Ngoài ra, Bảo tàng Áo dài còn tổ chức hoạt động ẩm thực như Phiên chợ quê vào những dịp lễ và cuối tuần. Du khách sẽ có có cơ hội thưởng thức những món ăn dân dã, đặc trưng phong vị bản địa như tàu hủ, bánh xèo hến, dừa nước, bò lá lốt, gỏi cuốn,…


 

Biên tập: Minh Anh, Bích Ngân, Mỹ Duyên, Tú Trinh, Phương Thuỳ, Minh Khải

Sản xuất: Bách Thông, Hoàng Yến, Hoàng Long

Thiết kế: Nguyên Giáp, Ngọc Bích, Thanh Trang




178 lượt xem7 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

7 Comments


emmyneee0408
Nov 07, 2024

Đọc xong muốn đến đây một lần quá,cảm ơn Mật Vụ Hoa Hồng đã cho mình biết đến chỗ này

Like

Minh Anh
Minh Anh
Nov 07, 2024

cảm ơn MVHH đã giởi thiệu cho mình Bảo tàng này nhéee

Like

Mỹ Duyên
Mỹ Duyên
Nov 07, 2024

Trời trời, đọc mà tui nôn đi qua đây coi sao nè. Chỗ này chụp áo dài là hết sảyyy 🥹👯‍♀️💗

Like

Trinh Tú
Trinh Tú
Nov 07, 2024

Sao mà nó xưa xưa mà nó cổ cổ nhìn mê quá.

Like

villa aston
villa aston
Nov 07, 2024

Trời bảo tàng nhìn thích mê luôn á ước được đi một lần

Like
bottom of page